logo mai han

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Kinh doanh spa thật sự là một cuộc chơi nghiêm túc

Trước đây, người ta xem "spa"  là không gian thư giãn chỉ dành riêng cho giới thượng lưu, thì hiện nay khái niệm đi spa đã dần trở nên quen thuộc và dần phổ biến hơn. Và lĩnh vực này cũng đã mở ra một con đường kinh doanh mới dành cho những người thích làm đẹp và có máu kinh doanh.



      “Nghề chơi cũng lắm công phu”

Giang Ngọc Tú, chủ nhân của spa White Lotus nằm cuối con hẻm nhỏ trên đường Phùng Khắc Khoan (Q.1, TP.HCM) vừa với tay bật công tắc đèn bên hồ thủy lực để giới thiệu tác phẩm ưng ý của mình: “Đây, em xem. Cũng là đá thôi nhé, như loại đá mỏng mảnh này được nhập từ Đài Loan đấy. Lát đá vào hồ jacuzzi (hồ thủy lực mát-xa), lắp đèn bên dưới. Mỗi lần bật đèn là đá cho ánh sáng lấp lánh thế này đây”.

Vốn là một người mê làm đẹp, nên Tú đem vào Sen Trắng tất cả công phu “tu luyện” bấy lâu của mình: Tường trắng tinh khiết và đơn giản làm nổi bật màu xanh ngọc của rèm cửa, khung cửa và khu vườn nhỏ “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” bên ngoài hiên nhà. Không gian luôn thoảng hương sen thơm ngát.
Ngắm spa Sen Trắng xinh đẹp bây giờ, nhưng ít ai biết, trước đây, địa điểm này chỉ là một khu chung cư cũ kỹ. Chẳng phải vô cớ mà nhiều người thường hỏi: “Ở đó đẹp không?”, trước khi chọn một spa nào đó để thư giãn. Cũng vì tầm quan trọng này mà phong cách trang trí trở thành một trong những điểm mạnh đầu tiên để thu hút khách.



Tuy nhiên, hầu hết những người trong giới kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp đều đưa ý kiến: chất lượng mới là điều quan trọng nhất. Thế nên mỗi spa phải có những dịch vụ đặc biệt riêng để thu hút khách hàng. Như Sen Trắng có dịch vụ massage dưỡng tâm, giúp mang lại cho khách hàng cảm giác thư giãn hoàn toàn về đầu óc. Ngọc Sương spa (Nguyễn Trãi, Q.1) có dịch vụ xông tai thư giãn.

Luna spa (Nguyễn Duy Dương, Q.10) lại mạnh ở dịch vụ tắm nghệ với bí quyết xả sạch màu vàng của nghệ tươi để mang lại làn da trắng nõn. Còn spa Oceancia trong Romana resort (Phan Thiết) lại có mùi hương đặc biệt nhờ đã nghĩ ra công thức riêng độc đáo để pha trộn các tinh dầu nấm hương, sả, gừng, gỗ đàn hương…
Chủ nhân của một spa uy tín tại TP.HCM đúc kết: “Spa chính là ngành kinh doanh dịch vụ, mà phần lớn khách hàng là những người có điều kiện kinh tế khá giả, nên yêu cầu rất khắt khe. Vì vậy các spa luôn phải chạy đua nhau để nâng cao dịch vụ của mình. Đã mở spa rồi thì không phải ngày nào cũng được nhàn nhã, tranh thủ tận hưởng “cây nhà lá vườn” để chăm sóc bản thân đâu. Người làm spa ngoài kinh nghiệm quản lý kinh doanh, tiếp thị còn phải rành kiến thức, kỹ thuật chăm sóc da nữa. Chứ yếu tay nghề, chỉ cần một phút sơ sẩy là làm hỏng làn da của khách hàng ngay. Lúc đó thì không uy tín nào cứu vãn nổi”.

      Yêu tha thiết thế vẫn chưa đủ
Tốt nghiệp khoa ngoại thương, đại học kinh tế, có bằng thạc sĩ kinh doanh của Hà Lan, công việc trưởng phòng phát triển kinh doanh ở một hãng tàu đang phát triển tốt, nhưng Đoàn Phi Nga vẫn ra riêng để mở một spa cho thỏa ý thích của mình.

Kể về “ý tưởng lạ” ngày ấy, Nga cho biết: “Năm 2001, mình qua Vancouver (Canada) để học tiếng Anh. Rồi mấy chị bạn trong trường rủ mình đi chăm sóc da ở một trung tâm thẩm mỹ. Con gái mà, nghe thế là quan tâm lắm. Nhưng đi rồi thì ghiền luôn, hầu như tuần nào cũng ghé một lần, không chăm sóc da mặt thì cũng mát-xa thư giãn. Thế là vừa nâng cao tiếng Anh, vừa đăng ký học luôn một khóa chăm sóc da”. Về nước, Nga bỏ gần 600 triệu đồng để mở Mirra Spa.



Hầu hết những người mở spa đều là người yêu cái đẹp. Nhưng với nghề này, chỉ yêu tha thiết thôi thì vẫn chưa đủ bởi khách hàng luôn có những đòi hỏi khắt khe buộc chủ nhân của các spa phải “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Chẳng thế là một trong những tiêu chuẩn đầu tiên của Mirra Spa khi tuyển nhân viên phải là “Tính tình dịu dàng, giọng nói nhẹ nhàng, biết cách lắng nghe” (tiêu chuẩn còn lại là bàn tay phải ấm áp mà mềm mại).

Nói về cái khó của người kinh doanh spa, chị Phi Nga tâm sự: “Ở VN chưa có trường đào tạo chính quy về kỹ thuật viên chăm sóc da, nên tuyển nhân viên vào mình phải đào tạo từ đầu. Sau 2 tháng học cơ bản, mất thêm gần 1 năm để nhân viên đó nâng cao tay nghề, chỉ khổ nhất là khi đã thạo nghề, nhân viên lại đòi nghỉ để qua chỗ khác khiến mình phải “tuyển lại từ đầu”.

Vì thế, để giữ chân nhân viên, mỗi spa lại phải có những chiêu khác nhau. Nơi thì tạo điều kiện cho nhân viên ăn, ở ngay tại spa của mình, nơi thì thường xuyên tổ chức huấn luyện nâng cao tay nghề cho nhân viên. Nhiều spa lại trả lương cho nhân viên căn cứ trên năng suất làm hằng tháng để kích thích nhân viên nhiệt tình trong công việc. “Mỗi năm, mình đều dành thời gian du lịch để tìm hiểu các dịch vụ spa ở nước ngoài. Mới đây, đi Bali, mình thấy các spa bên đó có điểm đặc biệt là ngay cả gạch ốp tường cũng thấm mùi hương liệu thiên nhiên rất thư giãn. Phải học chiêu này thôi”, chị Ngọc Tú, chủ spa Sen Trắng chia sẻ.



Nói về tương lai của ngành này, chị Phi Nga tiết lộ: “Số lượng spa ở Sài Gòn gần đây đã phát triển nhanh, nhưng vẫn chưa ăn thua với nhu cầu của người dân. Vì xã hội càng phát triển, nhu cầu làm đẹp, thư giãn, chăm sóc sức khỏe, tinh thần sẽ càng tăng. Ngay như ở Mỹ, doanh thu của ngành spa chỉ đứng sau ngành kinh doanh goft và câu lạc bộ sức khỏe. Nên ở VN, lĩnh vực này còn nhiều cơ hội lắm”.




0 nhận xét :

Đăng nhận xét