logo mai han

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Ngành nào kiếm nhiều tiền nhất của spa hiện nay ?


Esthetics là từ dùng để chỉ công việc của một người chuyên viên trong Spa, bao gồm: chăm sóc và cải thiện các vấn đề về da (da mụn, sẫm màu, nhạy cảm, lão hóa, khô ráp…), massage đá nóng, massage thư giãn, massage làm ốm, chăm sóc đôi chân, waxing, tư vấn, có thể sử dụng máy móc đơn giản để hỗ trợ, hoàn toàn không liên quan đến phẫu thuật hay điều trị sâu gây chảy máu như ở các bệnh viện thẩm mỹ. Tất cả các dịch vụ chuyên sâu như: cà da, bắn laser, phẫu thuật căng da mặt, nâng mũi…không được thực hiện ở Spa mà phải được tiến hành trong các bệnh viện bởi các bác sĩ thẩm mỹ. Theo ý nghĩa như vậy thì Spa và Thẩm Mỹ Viện là hai nơi hoàn toàn khác nhau. Một khi đã có những nhận thức rõ ràng về ngành Esthetics thì chắc chắn ngành này tại Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh theo hướng chuyên nghiệp hơn, đúng với bản chất của ngành.

Không thể phủ nhận rằng ngành Esthetics đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam trong một vài năm trở lại đây. Điều này xuất phát từ nhu cầu của xã hội: con người khi đã có cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ thì họ sẽ quan tâm hơn đến việc chăm chút cho bản thân, mặt khác, trước những áp lực của cuộc sống, con người luôn muốn tìm cho mình một không gian yên tĩnh để thư giãn, nghỉ ngơi, hồi phục năng lượng. Khi đã trở nên đẹp hơn, khoẻ hơn về mặt thể chất lẫn tinh thần thì dĩ nhiên, công việc của họ cũng tiến triển tốt hơn.




Nếu trước đây, mỗi khi nhắc đến Spa, người ta lại liên tưởng đến một nơi xa xỉ chỉ dành cho những người giàu có, thì nay, mặc dù chưa quá phổ biến nhưng Spa đã trở nên quen thuộc hơn với mọi tầng lớp xã hội. Người nhiều tiền thì đến những Spa cao cấp, người ít tiền thì đến những Spa bình dân. Spa không chỉ tập trung ở những thành phố lớn nơi có nền kinh tế phát triển mà ngày càng lan rộng ra những vùng thôn quê với đủ quy mô, kích cỡ. Nếu chạy xe một vòng quanh Sài Gòn, ta có thể bắt gặp cả trăm Spa lớn nhỏ, từ những Spa nằm trong các khách sạn lớn, trong các trung tâm thể dục thẩm mỹ đến những Spa kinh doanh độc lập, muôn hình muôn vẻ với rất nhiều phong cách khác nhau: từ phong cách sang trọng hiện đại của phương Tây đến phong cách giản dị, gần gũi, pha chút bí ẩn của phương Đông…nhưng tất cả đều có một điểm chung đó là: đưa con người đến với thiên đường của cuộc sống, tách biệt với thế giới ồn ào náo nhiệt bên ngoài.



Các dịch vụ trong Spa cũng ngày càng phong phú, không chỉ đơn thuần là massage thư giãn mà nay còn kết hợp với việc chăm sóc làm sáng da, trị nám , trị mụn , chống lão hoá…, xông hơi, ngâm bồn massage…nhằm mang lại sự khoẻ khoắn và vẻ đẹp thanh khiết cho con người.

Trên thực tế, các Spa tại Việt Nam phát triển mạnh về số lượng nhưng chưa đều về chất lượng. Điều này có nghĩa là: mặc dù các Spa được mở ra khắp nơi nhưng chưa hẳn đã đáp ứng được mọi tiêu chuẩn của một Spa chuyên nghiệp. Nếu so sánh với các nước đã phát triển về ngành này từ lâu như: Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Nhật…thì chúng ta vẫn còn thua họ nhiều mặt, thể hiện rõ nhất ở phong cách tiếp đãi khách hàng, kiến thức của kỹ thuật viên, khả năng tư vấn và lựa chọn một liệu trình phù hợp cho từng khách, ý thức việc giữ gìn vệ sinh trong Spa…Những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt này lại là một nguyên nhân lớn dẫn đến việc khách hàng “một đi không trở lại”.




Bên cạnh đó, thuật ngữ “Esthetics” còn quá xa lạ đối với người dân Việt Nam và nhận thức của họ về ngành Esthetics cũng còn khá mơ hồ. Không ít ý kiến cho rằng: Bất cứ cái gì liên quan đến việc massage, làm đẹp đều gọi là Esthetics, từ việc massage mặt trong các tiệm làm tóc đến những việc làm đẹp như: cà da, bắn laser, giải phẫu thẩm mỹ…đều là Esthetics. Từ đó dẫn đến sự lầm lẫn giữa Spa và Thẩm Mỹ Viện. Đây là 2 nơi hoàn toàn khác nhau và thực hiện những dịch vụ với tính chất cũng khác nhau. Nếu hiểu theo một nghĩa đúng đắn nhất thì Esthetics là việc làm đẹp dựa trên những hiểu biết về sinh lý, y học, chăm sóc bề mặt da kết hợp với việc sử dụng mỹ phẩm, máy móc đơn giản, hoàn toàn không liên quan đến việc phẫu thuật hay điều trị sâu gây chảy máu. Một khi đã nhận thức đúng đắn hơn về ngành này thì chắc chắn ngành Esthetics tại Việt Nam sẽ phát triển theo một hướng chuyên nghiệp hơn, đúng với bản chất của ngành.

Tương lai của ngành Esthetics?

Kinh tế ngày càng dư dả, người Việt Nam ngày càng có điều kiện đi nhiều nơi, sử dụng nhiều loại hình dịch vụ trong và ngoài nước. Từ đó họ sẽ có sự so sánh và chọn lựa. Ngoài ra, Internet, sách báo ngày càng phát triển rộng rãi, họ có thể tìm hiểu bất cứ thông tin mà họ muốn, mức độ hiểu biết của họ ngày càng tăng và dĩ nhiên, yêu cầu của họ cũng gắt gao hơn trước. Trước thực trạng các Spa đang mọc lên khắp nơi, muốn giữ chân khách hàng các Spa phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, bổ sung kiến thức và tay nghề của nhân viên, cải tiến máy móc…để có thể cạnh tranh trên thị trường.



Nếu như ở các nước phát triển trên thế giới, Spa đã gần như bão hoà thì ở Việt Nam, ngành này vẫn còn là một loại hình kinh doanh đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư bởi nhu cầu của nó không ngừng tăng cao. Mặc dù số lượng Spa hiện đã tăng lên rất nhiều nhưng xã hội vẫn đang “khát” những Spa chuyên nghiệp thực sự.



 Từ những yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng cùng việc nhận thức tầm quan trọng của tính chuyên nghiệp đối với ngành nghề liên quan đến sức khoẻ con người này, các nhà đầu tư, các chủ Spa cũng không ngần ngại cho nhân viên của mình đi học tại những địa chỉ đáng tin cậy hay mời những chuyên gia từ nước ngoài về đào tạo để nâng cao tay nghề và kiến thức cho nhân viên. Nhờ đó, trong vài năm tới, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản sẽ tăng lên, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho ngành Esthetics tại Việt Nam.


0 nhận xét :

Đăng nhận xét